Trái lại với việc nhiều người vẫn coi lý thuyết Dow là một dạng kim chỉ nam, một dạng bí kíp tuyệt học cho lĩnh vực phân tích đầu tư tài chính, thì nhiều nghiên cứu sử dụng các công cụ thống kê hiện đại lại cho thấy lý thuyết dow cũng có nhiều hạn chế. Dưới đây là một số hạn chế cơ bản.
Lý thuyết Dow quá trễ.
Đây là ý phê bình đúng. Đôi khi người ta còn thậm chí cho rằng nếu mỗi biến động lớn của thị trường được chia thành ba phần thì Lý thuyết Dow sẽ làm người tuân theo nó mất đi cơ hội kiếm lời ở phần đầu và cuối của biến động này, có khi là mất đi toàn bộ cơ hội.
Nhắc lại rằng đây là một điểm đúng về Lý thuyết Dow, nhưng trên thực tế những hành động theo đúng Lý thuyết Dow cũng đã mang lại lợi nhuận rất lớn và có rất ít người đạt được mức lợi nhuận này. Những ghi nhận và tính toán cho thấy lợi nhuận sẽ rất cao nếu đầu tư theo đúng Lý thuyết Dow.
Lý thuyết Dow không phải là luôn đúng.
Điều này hoàn toàn rõ ràng. Việc áp dụng Lý thuyết Dow hoàn toàn dựa vào khả năng giải thích tình hình thị trường và chịu sự rủi ro đối với tính chính xác của những giải thích này. Dẵu sao cũng cần nhắc lại rằng lịch sử đã chứng minh nếu tuân thủ đúng theo lý thuyết Dow thì lợi nhuận sẽ rất cao.
Xem thêm: hướng dẫn sử dụng ichimoku
Lý thuyết Dow thường làm cho nhà đầu tư phải băn khoăn.
Bất cứ lúc nào Lý thuyết Dow cũng có thể đưa ra những câu trả lời dựa trên cơ sở hợp lý về tình hình thực tế của thị trường. Câu trả lời có thể sai những chỉ là trong một thời gian ngắn tương đối ở giai đoạn đầu của xu thế cấp 1 mới hình thành. Sẽ cũng có lúc một nhà phân tích theo trường phái Dow nói với một nhà đầu tư rằng: “Xu thế cơ bản của thị trường có lẽ sẽ vẫn là lên giá nhưng thị trường đã bước vào thời kỳ nguy hiểm và tôi không thể khuyên bạn chính xác nên mua gì vào lúc này. Có lẽ đã quá muộn”.
Thường thì ý kiến phản đối này chỉ phản ánh những phản ứng đối với quan điểm của Lý thuyết Dow nguyên lý chỉ số bình quân phản ánh mọi thông tin và thông số của thị trường chứng khoán. Có thể ý kiến phản đối này là của những người có quan điểm bản thân về những biến động cổ phiếu không thống nhất với quan điểm của Lý thuyết Dow.
Trong những trường hợp khác, những lời chỉ trích nhằm vào Lý thuyết Dow chỉ phản ánh duy nhất một điều là sự thiếu kiên nhẫn của người đưa ra lời chỉ trích ấy. Sẽ có thể trong nhiều tuần hay nhiều tháng (điển hình là với thị trường đang xuất hiện mô hình đường ngang) Lý thuyết Dow không thể đưa ra một nhận định cụ thể nào. Khi đó nếu một nhà đầu tư “ưa họat động” phản ứng lại thì điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng tính kiên nhẫn là một phẩm chất không thể thiếu trên bất kì thị trường chứng khoán nào bởi nó sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những sai lầm nghiêm trọng.
Lý thuyết Dow không giúp gì được cho những nhà đầu tư theo các biến động trung gian. Họ là những người đầu tư trong ngắn hạn. Lý thuyết Dow hầu như không đưa ra (nếu có thì chỉ rất ít) những dấu hiệu về sự thay đổi trong các xu thế trung gian. Tuy nhiên nếu có thể có được những dấu hiệu này thì rõ ràng lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với chỉ đầu tư theo những biến động của xu thế cấp một. Một số nhà kinh doanh chứng khoán đã dựa trên Lý thuyết Dow để đưa ra những nguyên lý phụ áp dụng cho các biến động trung gian. Nhưng nhìn chung chưa có một nguyên lý nào loại này họat động thực sự có hiệu quả. Lý thuyết Dow chỉ là một công cụ – một chiếc máy để khi ta đưa dữ liệu vào thì nó đưa ra những kết quả về xu thế cấp 1 – xu thế chính của thị trường. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều vận động theo xu thế đó. Lý thuyết Dow không thể chỉ ra, không thể giúp bạn xác định nên mua hay bán loại cổ phiếu nào.