top of page

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo hay còn gọi là đền Mẫu Thượng Tam Đảo là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thuộc thị trấn Tam Đảo. Cùng với đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ và Chùa Vàng đã giúp nơi đây trở thành một khu di tích linh thiêng thu hút khách tham quan, du lịch.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo


Cùng Cách Hay Nhất khám phá vẻ đẹp bình yên, linh thiêng của ngôi đền này ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Nguồn gốc đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Ngôi đền thờ chính Bà Chúa Thượng Ngàn, người được coi là con gái đầu của Quốc mẫu Âu Cơ với truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” sinh ra trăm người con đầu tiên của đất Việt. Cũng có truyền thuyết cho rằng, Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái của Ngọc Hoàng. Bà là người được cho phép cai quản vùng rừng núi, phù hộ người dân săn bắt thuận lợi, mùa màng bội thu, dạy người dân dùng lửa nấu nướng… Bà Chúa Thượng Ngàn được thờ phụng với lòng biết ơn và kính yêu của dân chúng.

Theo lịch sử ghi lại, đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo được xây dựng trong khoảng thế kỉ XX. Thời gian này, người Pháp phát hiện ra vẻ đẹp mà thiên nhiên dành tặng cho vùng đất Tam Đảo nên đã quyết định biến nơi đây thành một khu nghỉ mát cho quan chức của thực dân Pháp tại Việt Nam. Đến ngày nay, những công trình ấy tồn tại không còn nhiều.


Tại Tam Đảo, Pháp chuyên tâm xây dựng đường đi lối lại, những căn biệt thự lộng lẫy, nhà thờ và vô số các kiến trúc kiểu Pháp khác. Trong khi đó, một nhà thầu phụ là người Việt Nam đã bỏ tiền của và công sức để xây dựng nên đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Bà Chúa Thượng Ngàn là một người phụ nữ được tạc hình đẹp và phúc hậu. Bà mang trang phục màu xanh, tư thế ngồi thiền với hai chân xếp bằng và hai tay đặt trước gối.


Bà Chúa Thượng Ngàn gắn với nhiều truyền thuyết về sự linh thiêng trong việc phù hộ các triều đại Việt Nam đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi. Bà được coi là hồn thiêng của dân tộc, được thờ phụng ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước. Ngôi đền tại Tam Đảo là một nơi rất linh thiêng và đông đảo khách thập phương đến dâng hương, cúng bái.


Di chuyển đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn

Như đã nói, đền Bà Chúa Thượng Ngàn là địa điểm du lịch tâm linh thuộc thị trấn Tam Đảo – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc. Cách trung tâm thị trấn Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc khoảng 25 km.

Tam Đảo từ lâu vốn được biết đến là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng bởi không khí trong lành và thời tiết dễ chịu với những cảnh quan đặc sắc. Chỉ cách Hà Nội khoảng 80 km, du khách có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển đến Tam Đảo như di chuyển bằng ô tô, xe taxi, xe bus, xe khách, xe máy… Tam Đảo thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm với hình thức di chuyển chủ yếu là đi phượt bằng xe máy.


Đền Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trên đỉnh núi Thiên Nhị, vị trí trên cao khiến đền có cảm giác gần như tách biệt hẳn với thị trấn Tam Đảo. Đi qua Tam Đảo với những rừng thông hùng vĩ, những cung đường uốn lượn quanh núi, những mái nhà lẫn trong lảng bảng khói sương, đến với Đền Bà Chúa Thượng Ngàn đã như đến với một thế giới khác.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Du khách khi đến thị trấn Tam Đảo có thể dễ dàng nhìn thấy biển chỉ dẫn lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn hoặc có thể hỏi đường người dân địa phương. Quãng đường di chuyển từ trung tâm thị trấn lên đền được ưu tiên đi bộ, bởi phần lớn thời gian khách du lịch phải leo bậc thang qua những sườn dốc thoai thoải. Đi bộ lúc này vừa là để thư giãn và ngắm nhìn cảnh quan vừa là để tận hưởng cảm giác chinh phục khi lên được đền.

Đường lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn trùng với đường lên thăm tháp truyền hình trên đỉnh núi Thiên Nhị. Nếu lên đến tháp truyền hình cần vượt qua gần 1400 bậc thì bạn chỉ cần di chuyển đến khoảng bậc thứ 300 từ cổng chính là đến được đền. Đường đi không khó, trong tầm 30 phút thư thái tản bộ từ trung tâm thị trấn Tam Đảo là bạn đã có thể chiêm ngưỡng đền Bà Chúa Thượng Ngàn uy nghi và trang nghiêm giữa rừng núi mây trời bao phủ.


Vì phải di chuyển trong một đoạn đường dài lên xuống dốc nên du khách cần chuẩn bị giày thể thao hoặc giày dép đế mềm để tránh bị đau chân hoặc bất tiện khi di chuyển.


Thời điểm tham quan thích hợp

Thông thường, thời điểm tham quan mà đa số khách du lịch thường chọn khi muốn đến thăm Tam Đảo là vào mùa hè. Lúc này, trái với sự nóng bức và ngột ngạt của thủ đô Hà Nội và các thành phố xung quanh, Tam Đảo mát mẻ kì lạ với kiểu khí hậu nổi tiếng bởi có cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trọn vẹn trong một ngày ngắn ngủi.


Ở độ cao 900 m so với mực nước biển, thời tiết và không khí mùa hè ở đây dễ chịu, trong lành, và sạch sẽ. Thích hợp cho một chuyến du lịch nghỉ mát, tránh nóng.


Vì thế, bạn có thể đến du lịch Tam Đảo vào mùa hè và kết hợp tham quan tại đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Tốt hơn hết nên chọn mùng 1 hoặc ngày rằm hàng tháng để có cơ hội chiêm ngưỡng không gian văn hóa đặc sắc tại đây – Lễ hầu đồng. Lễ hầu đồng ở đền Bà Chúa Thượng Ngàn bao gồm các hoạt động hát chầu văn, múa bóng rối… đưa du khách ngược dòng nguồn cội về miền xa xôi, thăm thẳm.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Đây là tín ngưỡng văn hóa được tổ chức thường niên tại đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Các cô/cậu đồng trang phục đặc sắc được coi là có thánh thần nhập vào để chữa bệnh, trừ tà, ban phúc… cho các con nhang, đệ tử. Thưởng thức âm nhạc hầu đồng với những lời ca, điệu múa ngợi ca thần thánh, chốn thần tiên… sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách.


Khi tín ngưỡng được phát triển theo đúng lối đi nên có, nó có hình dạng vẻ đẹp nguyên bản của truyền thống dân tộc.


Nếu chủ đích của bạn khi đến Tam Đảo là tham quan, dâng hương tại cụm di tích linh thiêng nơi này thì mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất. Trong không khí rạo rực, ấm áp khi tết đến xuân về, Tam Đảo thu hút đông đảo khách thập phương đến du xuân, đi lễ đầu năm.


Quang cảnh đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn nằm giữa núi rừng, quanh đền là những con dốc thoai thoải. Ngôi đền nằm trong mây trời và sương mù mờ ảo, lúc như ẩn, lúc như hiện.


Quãng đường di chuyển từ trung tâm thị trấn lên đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn đã là lúc để du khách bắt đầu chuyến tham quan của mình. Lối đi được che phủ bởi rừng trúc đan xen xào xạc. Không biết được rừng trúc này được trồng từ bao giờ, chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn che chở cho khách bộ hành với tấm lòng thành kính đến thắp hương cầu khấn. Lá trúc khô vàng rơi rụng dưới gốc, lớp này chồng lên lớp khác, an yên tĩnh mịch báo hiệu trước mặt là một chốn bình yên.


Lối đi là những bậc thang lót đá xanh có tay vịn ở hai bên đan xen khéo léo bằng bê tông cốt thép. Tuy nhiên sự chắc chắn mà cũ kĩ của con đường đi khiến vẻ hiện đại dường như không có chỗ để xen vào. Cảm nhận trong suốt quãng đường di chuyển là sự cổ kính, tĩnh lặng, thư thái và linh thiêng.


Ngôi đền thờ chính Bà Chúa Thượng Ngàn, người được coi là con gái đầu của Quốc mẫu Âu Cơ

Khác với những kiến trúc cổ kiểu Pháp đặc trưng ở Tam Đảo, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn được xây dựng theo lối phương Đông truyền thống. Đền có không gian rộng rãi và thoáng đãng, được bố trí bố cục theo lối cầu kì và tinh tế nhưng không làm rối mắt.

Bốn cột trụ vuông lớn được khắc những dòng chữ Nho đặt trước đền. Sân trước được xây dựng một ngôi miếu lục giác với thiết kế 2 tầng quen thuộc thờ Phật Di Lặc. Trong đền được phân làm 3 gian chính lập bàn thờ chư vị thánh mẫu, khói hương nghi ngút. Các bức hoành phu được sơn son thếp vàng an bài bên mỗi hương án.


Mái đền được thiết kế lợp bằng ngói miếng Thổ Hà – một loại ngói của làng gốm Thổ Hà nổi tiếng. Các góc mái đều được trạm trổ hình rồng. Phù điêu lưỡng long tranh chầu được đặt ở chính điện, đây là cặp rồng xanh được đắp hết sức tinh xảo với tạo hình dữ tợn, đang giương nanh múa vuốt.


Phía sau đền Bà Chúa Thượng Ngàn là đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Trong đền thờ cả 2 vị hầu cận của Quốc Mẫu khi xưa là Đệ nhất Vương Cô và Đệ nhị Vương Cô. Ngoài ra còn thờ Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ Phủ Thánh Bà, đây là 5 vị tướng giỏi nhất của Quốc Mẫu và những người trông coi núi vàng của đất nước. Được biết, trước đây đền Quốc Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn. Sau khi đền bị phá, người dân lén đưa tượng bà giấu trong đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Đền Quốc Mẫu được xây dựng lại vào năm 1992 bởi một thương gia giàu có được báo mộng mà xây nên.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo

Đi qua cổng Tam Quan, khách du lịch vào đến Chùa Vàng. Sở dĩ có cái tên này là do chùa sở hữu nhiều tấm bích họa được thếp vàng quanh vách chùa. Chùa Vàng nằm sau đền Quốc Mẫu Âu Cơ, được xây dựng với ưu thế về vị trí. Mái chùa cong cong hình đao, cửa chùa có hoa văn đặc sắc được làm từ nhiều loại gỗ quý. Khoảng sân rộng trước chùa đặt rất nhiều tượng Phật đá trắng với nhiều tư thế và sắc thái biểu cảm. Tượng Phật Thích Ca đội mão vàng trên đài sen là một điểm nhấn của ngôi chùa này. Tượng rất lớn và có màu sắc khác nhau tùy vào góc nhìn của du khách đến khấn vái.

Chùa Vàng tại Tam Đảo


Khách du lịch đến tham quan đền Bà Chúa Thượng Ngàn và khu di tích tâm linh xung quanh cần trang bị cho mình tấm lòng thành kính. Chuẩn bị trang phục cẩn thận và có thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói phù hợp với chốn linh thiêng.


Đền Bà Chúa Thượng Ngàn hứa hẹn là một điểm dừng chân thú vị cho du khách khi có cơ hội ghé thăm Tam Đảo. Bạn đã sẵn sàng cho chuyến đi gần nhất chưa?





Xem thêm

33 lượt xem1 bình luận

1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Hay Nhat
Hay Nhat
Sep 15, 2023
Rated 5 out of 5 stars.

1 ngôi đền giữa rừng núi đúng như cái tên Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo


Like
bottom of page